Viêm phổi là một bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi, có những ảnh hưởng nhất định đến việc hô hấp của trẻ, đặc biệt là những trẻ em còn nhỏ vì hệ hô hấp và hệ miễn dịch còn non yếu. Như vậy hãy cũng chúng tôi tìm hiểu về viêm phổi và giải đáp liệu trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không?
Tổng quan viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi sau khi nhiễm vi sinh vật như virus, vi khuẩn, nấm hoặc do khói bụi, hóa chất. Viêm phổi là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguy hiểm, có diễn tiến phức tạp khó lường trước được những hậu quả nặng nề mà chúng gây ra.
Viêm phổi ở trẻ em gây ra các triệu chứng như: Sốt cao, lạnh, rét run, ho có đờm, đau tức ngực, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, nặng hơn trẻ có thể li bì, bỏ bú, bú kém, thở rên, rút lõm lồng ngực nặng. Đặc biệt đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi các triệu chứng thường nặng nề hơn.
Viêm phổi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết,…. khiến bệnh nhân tử vong.
Nguyên nhân của viêm phổi
Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.
- Tác nhân vi khuẩn: Vi khuẩn thường gây viêm phổi nhất là streptococcus pneumoniae, ngoài ra tác nhân hiếm gặp hơn như vi khuẩn legionella, haemophilus,… Đây cũng là tác nhân thường gặp nhất ở trẻ em.
- Virus: Virus là tác nhân gây viêm phổi phổ biến hơn so với các vi sinh vật khác, 70% viêm phổi là do virus. Bệnh thường khởi phát triệu chứng sớm, tiến triển nhanh nhưng mức độ nguy hiểm thì không bằng bệnh do vi khuẩn. Virus gây viêm phổi thường có nguồn gốc từ môi trường sống ô nhiễm hoặc do lây nhiễm từ người bệnh. Virus thường gặp gây viêm phổi bao gồm: Rhino virus, virus hợp bào đường hô hấp (RSV), adenovirus, virus cúm Influenza A, B,…
- Nấm: Nấm cũng là một trong những loại vi sinh vật có thể gây viêm phổi nhưng có tỉ lệ thấp hơn, tuy nhiên bệnh thường nghiêm trọng, dẫn đến những biến chứng nặng nề và phức tạp hơn so với 2 tác nhân vi sinh vật còn lại. Người bệnh có thể bị mắc do tiếp xúc trực tiếp hoặc hít thở không khí chứa bào tử nấm. Bệnh viêm phổi do nấm thường rất nguy hiểm và có diễn tiến phức tạp. Nấm thường tồn tại trong môi trường không khí ô nhiễm, nhiều hóa chất, khói bụi hay thuốc lá,… Chính vì diễn tiến nặng nề của chúng mà những bệnh nhân viêm phổi tốt nhất nên nhập viện theo dõi và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
- Viêm phổi do hóa chất: Tỷ lệ rất nhỏ người bệnh bị viêm phổi do hóa chất. Bệnh thường gặp ở những người làm việc đặc thù trong môi trường hóa chất lâu ngày, cơ thể tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại hóa chất nguy hiểm. Ở những người này không chỉ bị viêm phổi mà các bộ phận khác của cơ thể cũng dễ mắc bệnh khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế những người bắt buộc phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo vệ phù hợp. Ở trẻ em thì hầu như không gặp trường hợp này trừ khi hít sặc hóa chất gây viêm phổi.
Trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không?
Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm phổi nhất, thậm chí là thường xuyên tái diễn. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh luôn thắc mắc trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không? Câu trả lời là không thể, đặc biệt là đối với trẻ em hệ hô hấp và miễn dịch còn yếu kém không thể chống lại tác nhân gây viêm phổi. Thậm chí viêm phổi ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể tổn hại trầm trọng sức khỏe trẻ nhỏ, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy khi phát hiện trẻ có dấu hiệu viêm phổi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, không nên tự điều trị tại nhà hoặc nghĩ rằng bệnh không cần điều trị cũng tự khỏi mà hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị thích hợp.
Đa phần trường hợp viêm phổi nếu phát hiện sớm đều có thể kiểm soát tốt bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm hoặc phương pháp điều trị hỗ trợ hô hấp,… Tùy từng tác nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc đặc trị khác nhau. Viêm phổi có thể tiển triển nặng nề và đưa đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe màng phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp cấp, viêm màng ngoài tim,… Chính vì thế việc điều trị muộn là điều không hề tốt cho trẻ khi bị viêm phổi.
Tuy nhiên khi đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì vẫn có một số trường hợp có thể tự khỏi như viêm phổi do virus có khả năng tự khỏi sau khoảng từ 1 đến 3 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở môi trường nhiễm khuẩn như nước ta thì việc xác định trẻ không phải viêm phổi do vi khuẩn là điều khó có thể khẳng định chắc chắn được.
Đối với điều trị viêm phổi ở trẻ em thì bệnh thường có tiên lượng tốt hơn, trẻ có thể khỏi bệnh sau khi điều trị kháng sinh đúng cách trong 7 - 10 ngày.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Như đã giải đáp, viêm phổi ở trẻ em tại nước ta đa phần là do tác nhân vi khuẩn hoặc có thể là virus đồng nhiễm vi khuẩn vì vậy bạn không nên nghĩ rằng trẻ chỉ bị viêm phổi do virus có thể chăm sóc vài ngày tại nhà là khỏi. Bạn cũng sẽ không thể nào biết được trẻ có đang bị viêm phổi hay không, tác nhân viêm phổi hiện tại ở trẻ là gì. Nếu chẳng may bệnh tiến triển nặng và dẫn đến biến chứng thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ em.
Vì vậy, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi thấy trẻ có xuất hiện những dấu hiệu bất thường như:
- Sốt;
- Ho khan hoặc ho có đờm, đặc biệt là khi có đờm vàng hoặc xanh, ho ra máu;
- Thở nhanh;
- Rút lõm lồng ngực;
- Bỏ bú hoặc bú kém;
- Li bì, vật vã, kích thích.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp phụ huynh hiểu hơn về viêm phổi và không chủ quan tự điều trị tại nhà hoặc uống thuốc không rõ loại. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và gây khó khăn cho việc điều trị sau này. Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa trẻ đi khám ngay.
Xem thêm:
- Viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?
- Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà giúp trẻ mau khỏi