Nước dừa được mệnh danh là “thức uống giải khát thể thao từ thiên nhiên” vì cung cấp lượng kali, natri và magie dồi dào. Nhưng do độ ngọt tự nhiên trong nước dừa mà nhiều bệnh nhân tiểu đường còn e ngại không biết uống nước dừa thì có ảnh hưởng đến lượng đường huyết không. Hãy cùng giải đáp thắc mắc cùng genetica nhé.
1, Hàm lượng đường và các chất dinh dưỡng trong nước dừa
Nước dừa là chất lỏng loãng, có vị ngọt tự nhiên, được chiết xuất từ bên trong trái dừa xanh. Nó không chứa chất bảo quản, cũng không có bất kỳ chất làm ngọt nhân tạo nào, lại cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Dưới đây là hàm lượng đường và các chất dinh dưỡng có trong mỗi 100g nước dừa, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA):
Sugar: 3.92g
Glucose (dextrose): 0.82g
Fructose: 2.14g
Protein: 0.22g
Lipid (fat): 0g
Carbohydrate: 4.24g
Kali: 165mg
Na, Sodium: 26mg
Magie: 6mg
Vitamin C: 9.9mg
Như vậy, với hàm lượng đường thấp, nước dừa là lựa chọn tuyệt vời cho người bệnh tiểu đường để thay thế các loại đồ uống chứa đường nhân tạo như nước ngọt có ga.
2, Vì sao nước dừa tốt cho người bệnh tiểu đường?
Để tìm ra lợi ích của nước dừa với người bệnh tiểu đường, một số nghiên cứu đã tiến hành trên động vật. Ví dụ, khi người ta tiêm loại thuốc gây bệnh tiểu đường có tên là Alloxan trên chuột thí nghiệm, họ đã cho chúng uống nước dừa già trong vòng 45 ngày.
Kết quả, những con chuột ấy đã có cải thiện trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là do hàm lượng kali, magie, mangan, vitamin C cao trong nước dừa, giúp cải thiện độ nhạy của tế bào với insulin.
Nước dừa cũng có tác dụng tốt để kiểm soát huyết áp. Trong một nghiên cứu ở những người bị huyết áp cao, nước dừa cải thiện huyết áp tâm thu ở 71% người tham gia. Ngoài ra, nước dừa chứa lượng kali dồi dào, trong khi kali đã được chứng minh là làm giảm huyết áp ở những người huyết áp cao.
Hơn nữa, một nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra nước dừa có hoạt tính chống huyết khối, nghĩa là nó có thể ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
Bên cạnh đó, nước dừa còn có lợi cho tim mạch. Trong một số nghiên cứu trên động vật, người ta thấy rằng nước dừa có tác dụng giảm cholesterol và chất béo trung tính trong máu, đồng thời giảm đáng kể lượng mỡ gan.
Bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, xơ vữa động mạch là những biến chứng nguy hiểm thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, uống nước dừa sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ gặp các biến chứng đó.
Các chất điện giải tự nhiên có trong nước dừa hỗ trợ cân bằng độ pH và hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Hàm lượng kali đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường vì giúp điều chỉnh hoạt động của thận.
3, Nên uống bao nhiêu nước dừa mỗi ngày để kiểm soát bệnh?
Tuy người bệnh tiểu đường có thể uống nước dừa nhưng không có nghĩa bạn muốn uống bao nhiêu cũng được. Vì trong nước dừa vẫn chứa một lượng đường fructose, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Do đó, bạn chỉ nên uống 1 trái dừa cỡ vừa mỗi ngày (khoảng 250ml nước dừa), và không ăn cùi dừa (cơm dừa) vì nó chứa rất nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho người bị tiểu đường.
Những lưu ý khi cho bệnh nhân tiểu đường uống nước dừa
- Người có đường huyết không ổn định (chỉ số đường huyết lúc đói hoặc sau ăn tăng giảm thất thường), bị tiểu đường thai kỳ, thận mạn tính, thấp khớp thì không nên uống nước dừa.
- Bạn nên chọn uống dừa già thay vì dừa non do có ít đường hơn; uống nước dừa tự nhiên thay vì nước dừa đóng hộp, do với loại đóng hộp thì nhà sản xuất đã cho thêm đường, hương liệu vào và chúng ta sẽ không biết nó có ảnh hưởng thế nào đến lượng đường trong máu.
- Nên uống vào buổi sáng, tránh uống vào buổi tối.
- Không thêm bất kỳ muối hay đường vào nước dừa khi uống.
Tóm lại, người bệnh tiểu đường vẫn có thể uống nước dừa, làm thức uống giải khát tốt cho sức khỏe. Nó đem lại những lợi ích như kiểm soát lượng đường trong máu, tốt cho tim mạch, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm từ bệnh tiểu đường. Bạn chỉ cần lưu ý là nên uống nước dừa tự nhiên, chỉ uống một trái trong ngày và không ăn cùi dừa.