Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm và gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Những người bị tai biến, nhất là tai biến mạch máu não nặng thì thường mắc phải những di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nhận thức... Sau khi chữa tai biến mạch máu não thành công thì người bệnh vẫn có thể sống, sinh hoạt và khả năng phục hồi sau tai biến mạch máu não là có thể xảy ra.
1. Tai biến mạch máu não nặng
Tai biến mạch máu não, hay đột quỵ não là tình trạng mạch máu não bị tổn thương khiến não không đủ máu nuôi dưỡng và mất đi một số chức năng quan trọng. Ở trạng thái bình thường thì máu sẽ được lưu thông trong cơ thể qua động mạch và tĩnh mạch, đi đến cơ quan để nuôi dưỡng, trong đó có não. Khi có những bất thường về mạch máu và quá trình cung cấp máu đến não bị gián đoạn thì sẽ gây ra tai biến mạch máu não. Một số nguyên nhân tai biến mạch máu nào phổ biến đó là tắc mạch máu não và vỡ mạch máu não. Tình trạng tai biến mạch máu não nặng là khi những tế bào ở não bị tổn thương nặng nề, dẫn đến bị hoại tử và tử vong một cách đột ngột. Bên cạnh xuất huyết não nặng thì vẫn có tình trạng xuất huyết não nhẹ, có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả.
Về thể bệnh lâm sàng thì tai biến mạch máu não bao gồm chảy máu não, hay xuất huyết não và thể nhồi máu não. Bệnh để lại một số di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ, giảm thị lực... Tùy vào thể bệnh, vị trí não bị tổn thương và độ tuổi người bệnh mà những người bị tai biến khác nhau sẽ gặp những loại biến chứng khác nhau. Với người trẻ tuổi thì nguyên nhân tai biến mạch máu não là do vỡ mạch máu não, còn đối với người già thì nguyên nhân là do động mạch khi về già sẽ bị xơ vữa và tắc mạch máu não. So với người già thì người trẻ dễ mắc phải tai biến mạch máu não nặng hơn, do đó những biến chứng để lại cũng nặng nề hơn.
2. Chữa tai biến mạch máu não
Để trả lời cho câu hỏi điều trị tai biến mạch máu não như thể nào hay tai biến mạch máu não nặng có điều trị được không thì cần rất nhiều yếu tố để quyết định. Nếu tai biến mạch máu não nặng, và ở những người già thì khả năng điều trị thành công là rất thấp nhưng nếu bệnh nhân được phát hiện kịp thời từ giai đoạn sớm thì hoàn toàn có thể bình phục trở lại đến 90% sau tai biến mạch máu não. Đối với những bệnh nhân ở độ tuổi trẻ hơn và mắc phải tai biến mạch máu não nhẹ và chỉ bị liệt nửa người thì có thể điều trị bằng những phương pháp sau:
- Điều trị nội khoa: Những loại thuốc dùng để trị biến chứng liệt nửa người bao gồm thuốc kháng đông, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều chỉnh hàm lượng Cholesterol trong máu, thuốc giúp giãn cơ...
- Thực hiện vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Tùy theo người bệnh bị liệt cứng hay liệt mềm mà cách thức của phương pháp này sẽ khác nhau. Nếu bệnh nhân bị liệt mềm thì sẽ được thực hiện vật lý trị liệu ở những khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp ngón tay, khớp háng... bằng một số động tác luyện tập như gấp, duỗi, đóng và mở các khớp này. Trong trường hợp bệnh nhân bị liệt cứng thì sẽ khó khăn hơn, bệnh nhân được hỗ trợ thực hiện một số động tác như nằm, ngồi dậy, đi lại, đứng và đi thăng bằng.
Cách điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả nhất hiện nay là kết hợp giữa phương pháp vật lý trị liệu và điều trị nội khoa để giúp bệnh nhân có thể hồi phục một cách nhanh chóng nhất.
Ngoài ra, khi điều trị tai biến mạch máu não thì bên cạnh những phác đồ điều trị cụ thể thì bệnh nhân cần được chú ý đến những yếu tố như sau:
- Có một chế độ ăn uống khoa học, đặc biệt thức ăn cho những người bị tai biến thường phải lỏng và những bữa ăn trong ngày nên được chia nhỏ ra thành nhiều lần. Cần tăng cường hàm lượng chất xơ và vitamin trong bữa ăn, giảm thiểu những loại thức ăn chứa nhiều chất béo.
- Người nhà và những nhân viên y tế cần hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân trong việc vận động và tập một số động tác nhẹ trong thời gian đầu sau tai biến mạch máu não, sau đó tăng dần độ mạnh của động tác và tập một số động tác phức tạp hơn.
- Cần động viên, an ủi bệnh nhân để bệnh nhân giữ được một tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và tủi thân.
- Không hút thuốc lá và sử dụng bia rượu để tránh nguy cơ tái phát bệnh.
Sau tai biến mạch máu não thì khả năng hồi phục của bệnh nhân là rất cao, khoảng 90% nếu bệnh nhân chỉ bị tai biến nhẹ và phát hiện sớm cũng như điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, những trường hợp tai biến mạch máu não nặng và có khả năng dẫn đến tử vong thì việc điều trị rất khó khăn và nguy cơ thất bại là rất cao. Vì vậy, những người bị tai biến khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào dù chỉ là thoáng qua thì vẫn nên đến những cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và tìm ra bệnh sớm nhất có thể, để có thể chữa tai biến mạch máu não thành công.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
- Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não
- Hạn chế những di chứng tai biến mạch máu não
- Điều trị tai biến mạch máu não