Đối với chảy máu não, không có bất kỳ một dấu hiệu nào đặc hiệu để cảnh báo trước có tình trạng chảy máu não. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có một số dấu hiệu như: đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, huyết áp tăng cao,…. đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, không kiểm soát huyết áp tốt.
Một số biện pháp dự phòng đột quỵ não
Như đã nói ở trên, trong đa số trường hợp, các dấu hiệu đột quỵ não trước 1 tuần hoàn toàn không có. Do đó, điều trị quan trọng nhất là phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm khả năng bị đột quỵ não, đặc biệt ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ.
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây xơ vữa mạch máu não, là yếu tố nguy cơ chính của cả nhồi máu não và chảy máu não. Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát đường huyết: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ não cao gấp 2 - 3 lần, đặc biệt khi kết hợp với đột quỵ não. Mục tiêu đường huyết tùy thuộc vào tuổi, giới, bệnh nền và các yếu tố khác, sẽ được xác định bởi bác sĩ.
- Kiểm soát lipid máu.
- Cai hút thuốc lá: Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ đột quỵ não quan trọng ở cả nam giới và nữ giới, gây xơ vữa thành mạch. Theo nghiên cứu, những người từng hút thuốc lá cai nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ đột quỵ não tương tự như những người không hút thuốc lá. Đặc biệt, việc hút thuốc lá cũng gây ảnh hưởng đến người xung quanh, tức người hút thuốc lá thụ động.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm giàu rau xanh, hoa quả; hạn chế muối, thức ăn dầu mỡ, đặc biệt mỡ động vật.
- Chế độ tập luyện, thể dục: Bạn cần xây dựng một chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe của mình.
- Kiểm soát cân nặng, vòng bụng.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ hàng năm, nhằm phát hiện các bệnh lý, các yếu tố nguy cơ để điều chỉnh, điều trị kịp thời.