Ốc bươu vàng được nhiều hàng quán chế biến thành các món ăn ngon như ốc xào, ốc hấp tiêu, ốc nướng, cháo ốc bươu,... Thế nhưng thực khách lại lo ngại không biết liệu ốc bươu vàng có ăn được không, có gây hại gì đến sức khoẻ không?
Ốc bươu vàng có ăn được không?
Ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Trung và Nam Mĩ được du nhập vào Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu được nuôi để cung cấp thực phẩm cho con người nhưng với sức sinh sôi quá lớn, chúng bắt đầu tràn ra thiên nhiên, mang sức ăn khủng khiếp tàn phá nông nghiệp, trở thành nỗi lo lắng của bà con nông dân. Đây chính là lý do tại sao ốc bươu vàng bị xếp vào danh sách cấm nuôi, cần tiêu diệt ở Việt Nam.
Ngoài lý do này, ốc bươu vàng giống hoàn toàn với những loại ốc khác, có thể ăn một cách bình thường. Bởi trên thực tế chúng chứa nhiều dinh dưỡng như chất đạm (protein), khoáng chất có ích cho sức khỏe. Do đó, nhiều nơi đã biến ốc bươu thành món ăn khoái khẩu, góp phần bảo vệ mùa màng.
Dinh dưỡng từ ốc bươu
Ốc bươu vàng được đánh giá là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể. Thịt ốc chứa hàm lượng lớn chất đạm, các khoáng chất nhiều protein, axit amin, vitamin, kẽm, magie và nhiều nguyên tố vi lượng. Trong đó, nổi bật nhất chính là thành phần canxi. 100g thịt ốc bươu vàng có 1300g canxi, số canxi này cao gấp 13 lần rong biển và sứa - hai loại thực phẩm nổi tiếng giàu canxi. Thế nên, ốc bươu vàng mang lại những lợi ích đặc biệt về mặt sức khoẻ.
Giúp cải thiện sức khỏe xương
Với lượng canxi dồi dào, ốc bươu vàng bổ sung canxi nuôi dưỡng xương chắc khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao cho trẻ em.
Thanh nhiệt
Theo y học cổ truyền thì thịt ốc có tính hàn, vị ngọt nhưng không độc, mang lại lợi ích giải nhiệt làm mát cơ thể, thông lợi đại tiểu tiện và hỗ trợ cho nhiều các bệnh khác.
Tăng cường cơ bắp
Thịt ốc bươu vàng chứa nhiều protein, là thành phần cơ bản của các tế bào và mô của cơ thể, giúp duy trì và phát triển cơ bắp, tăng khả năng miễn dịch và tái tạo tế bào.
Tốt cho não và tim mạch
Các axit béo omega-3 trong ốc bươu vàng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách điều hoà huyết áp. Tăng cường tuần hoàn máu và giảm viêm, làm tăng khả năng tập trung và ngăn ngừa nguy cơ các bệnh liên quan đến não.
Tăng cường sức đề kháng
Ốc bươu vàng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trước nhiều nguyên nhân gây bệnh.
Hướng dẫn sơ chế và một số món ăn gợi ý với ốc bươu vàng
Hướng dẫn sơ chế
Dù có nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ nhưng ốc bươu vàng sống ở đồng ruộng nơi có nhiều bùn đất nên cần phải chú ý làm sạch cẩn thận trước khi ăn.
Đầu tiên hãy ngâm ốc bươu vàng trong nước vo gạo có cắt thêm vài trái ớt trong khoảng 3 - 4 tiếng để chúng nhả hết bùn đất ra. Xả lại nhiều lần với nước cho thật sạch rồi đem đi luộc hấp.
Sau khi luộc có thể ăn ngay nhưng khi lấy thịt cần chú ý bỏ đi phần nhân tròn ở cuối đầu ốc vì đó là dạ dày và thực quản, chứa nhiều loại ký sinh.
Còn nếu lấy thịt ốc để chế biến tiếp một số món thì bạn hãy chà thịt ốc với muối hột hoặc giấm nhiều lần rồi xả qua với nước cho đến khi hết nhớt.
Các món ăn gợi ý
Ốc bươu vàng sau khi ngâm để nhả sạch hết bùn đất có thể đem đi nấu một số món như ốc bươu nướng nước mắm, nướng tiêu xanh, ốc bươu nhồi thịt,...
Nếu như làm sạch ốc để lấy thịt thì bạn có thể cắt nhỏ thịt, ướp với các gia vị như hành, nghệ tươi, tiêu để làm giảm mùi tanh của ốc rồi đem đi xào lá lốt, nấu chuối xanh cũng rất ngon.
Trước câu hỏi “Ốc bươu vàng có ăn được không?” qua bài viết bạn có thể yên tâm là ốc bươu vàng ăn được và có nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Nếu có ý định thử món ốc bươu vàng này thì đừng ngần ngại bạn nhé!
Hoàng Vi
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn