Cà gai leo được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh xơ gan, viêm gan, giải rượu, giải độc,... Tuy nhiều công dụng vậy, nhưng nhiều người lại cho rằng uống cà gai leo hại thận. Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên đồng thời trả lời câu hỏi những ai không nên uống cà gai leo?
Tìm hiểu về cây cà gai leo
Cà gai leo là loại dược liệu được sử dụng nhiều trong ngành dược nhờ những chức năng tuyệt vời. Trước khi giải đáp thắc mắc uống cà gai leo hại thận có đúng không, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về loại dược liệu thú vị này nhé.
Cây cà gai leo là cây gì?
Cây cà gai leo (Solanum hainanense Solanaceae) hay còn gọi là cà lù, cà gai cây, cà quánh, Đây loài cây leo nhỡ gồm nhiều cành, với chiều dài trung bình khoảng 60 - 100 cm. Lá màu xanh, mọc so le với nhau, mặt dưới lá có nhiều lông màu trắng, mặt trên có nhiều gai. Thời gian ra hoa của cây thường rơi vào tháng 4 - 9 và cây cho quả vào khoảng tháng 9 - 12.
Bộ phận được sử dụng là phần cành, lá và rễ. Các bộ phận cây được rửa sạch rồi thái lát, sau đó đem sấy hoặc phơi khô. Có thể sử dụng để sắc nước uống hoặc bào chế thành cao khô và mềm.
Những công dụng của cây cà gai leo
Dưới đây là một số công dụng của cà gai leo đã được nghiên cứu và chứng minh:
- Giải độc: Dịch chiết toàn phần cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan khỏi ảnh hưởng của chất độc với vai trò hạn chế tăng trọng lượng gan do nhiễm độc, ngăn chặn tổn thương nhu mô gan, giảm sự hủy hoại tế bào gan, bảo tồn cấu trúc tế bào gan.
- Chống viêm gan và ức chế xơ gan: Hoạt chất glycoalkaloid trong cà gai leo có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, làm giảm đáng kể trọng lượng u, ngoài ra còn làm giảm trọng lượng collagenase của gan.
- Điều trị hỗ trợ viêm gan virus B: Giúp làm giảm các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, đau hạ sườn phải, nước tiểu vàng. Các chỉ số cũng tốt hơn: Transaminase, bilirubin trở về mức bình thường, ALT giảm.
- Giải độc rượu: Dân gian có cách dùng trong khi uống rượu thỉnh thoảng chà rễ cà gai leo vào răng sẽ đỡ say. Tuy đây chỉ là cách dùng trong nhân dân chứ chưa được chứng minh. Nhưng đúng thật các chất trong rễ cà gai leo có thể làm giảm một số triệu chứng ban đầu của say rượu như nói nhiều, mất thăng bằng,... Chứ không thể làm cho hoàn toàn không say rượu.
- Phòng chống ung thư: Gốc tự do sẽ làm hư hỏng DNA từ đó khiến tế bào phát triển một cách vô tổ chức là nguyên nhân gây ung thư. Hoạt chất glycoalkaloid trong cà gai leo có tính chống oxy hóa mạnh, ngăn chặn các gốc tự do gây hại cho tế bào từ đó có công dụng ngừa ung thư.
Uống cà gai leo hại thận có đúng không?
Trong thành phần của cà gai leo không chứa chất độc hại nói chung và không gây hại thận nói riêng. Nhiều người vẫn lo sợ uống cà gai leo hại thận vì gánh nặng thanh lọc gan được chuyển qua cho thận, nhưng hiện tại vẫn chưa có ghi nhân nào về tác hại của cà gai leo lên thận.
Tuy lành tính là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại dược liệu này. Vậy những ai không nên sử dụng cà gai leo?
- Phụ nữ có thai: Một số chất trong cà gai leo gây kìm hãm sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu và đặc biệt là mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu không nên sử dụng loại dược liệu này để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Người có bệnh lý về thận: Công dụng thải độc gan của cà gai leo vô tình đã làm tăng sức ép lên thận. Qua thời gian sử dụng, quá trình lọc máu bị ảnh hưởng hình thành sỏi thận làm cản trở quá trình bài tiết ở người sử dụng. Những bệnh nhân mắc chứng thận hư, thận yếu không nên sử dụng cà gai leo thường xuyên.
- Bệnh nhân đang trong phác đồ điều trị đặc biệt: Trường hợp bệnh nhân đang trong phác đồ điều trị đặc biệt thường là bệnh nặng, có sức khỏe yếu. Việc sử dụng cà gai leo có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, vì vậy hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho bệnh nhân. Cà gai leo chỉ là dược liệu giúp bổ trợ cho quá trình điều trị, vì vậy đừng tự ý thay thế cà gai leo cho thuốc đang sử dụng.
- Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính: Người mắc bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,... không nên tự ý sử dụng cà gai leo vì có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại dược liệu này và theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên để phát hiện ngay khi có gì bất thường.
Lưu ý khi sử dụng cà gai leo
Mặc dù cà gai leo là loại dược liệu an toàn nhưng bạn vẫn không nên chủ quan khi sử dụng nó. Thông thường liều dùng hằng ngày từ 20 - 30 gram cho đối tượng khỏe mạnh dùng để bồi bổ chức năng gan. Không nên lạm dụng mà sử dụng cà gai leo với liều lượng cao và dùng dài ngày.
Sau đây, Nhà thuốc Long Châu gợi ý đến bạn cách hãm trà cà gai leo để sử dụng tối đa hoạt chất có trong thảo dược này.
- Bước 1: Chuẩn bị từ 50 - 60 gram cà gai leo được phơi khô. Đem đi rửa với nước.
- Bước 2: Hãm với nước nóng 90 độ C sao cho lượng nước cho vào ngập dược liệu.
- Bước 3: Bỏ nước vừa rồi. Cho nước sôi vào và hãm tiếp trong khoảng 10 phút.
- Bước 4: Lấy nước và bỏ bã. Pha loãng với khoảng 1 lít nước lọc vào phần nước cốt vừa thu được. Bạn có thể sử dụng trà cà gai leo vừa thu được thay cho nước uống trong ngày.
Để đảm bảo an toàn, chỉ sử dụng dược liệu được mua ở những nơi uy tín. Không nên tự ý chế biến để sử dụng.
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về uống cà gai leo hại thận có đúng hay không. Cà gai leo là loại dược liệu có tính ấm, vị the với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy hiện nay chưa có ghi nhận về các tác hại của cà gai leo lên thận nhưng đối vói bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận thì việc có được sử dụng cà gai leo hay không còn phải tùy theo xem xét và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bất kì đối tượng nào khi muốn sử dụng cà gai leo để bồi bổ sức khỏe của gan thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Xem thêm:
- Giải đáp thắc mắc: Cà gai leo có giảm mỡ máu không?
- Uống cà gai leo có hại dạ dày không?