Trong tuần thứ 34 của thai kỳ, cân nặng của thai nhi tăng lên gần với cân nặng lúc sinh, các hệ cơ quan đã được hoàn thiện chuẩn bị cho thời điểm sinh nở. Vậy thai 34 tuần nặng bao nhiêu? Có sự thay đổi trong cơ thể mẹ và thai nhi như thế nào? Cách chăm sóc thai 34 tuần ra sao?
Thai 34 tuần nặng bao nhiêu?
Nhiều bà mẹ thường thắc mắc "Thai 34 tuần nặng bao nhiêu?", câu trả lời là "Em bé đã dài khoảng 47cm và nặng khoảng 2,2 kg".
Móng tay và tóc của bé đang phát triển. Lớp lông tơ mịn bao phủ da bắt đầu rụng, thay vào đó là một lớp phủ vernix caseosa, giúp bảo vệ lớp da của bé và tạo điều kiện thuận lợi khi em bé chào đời. Các lớp mỡ tích tụ dưới da làm cho da căng ra nên hình dáng của em bé trở nên tròn trịa hơn. Đầu của bé đang dần quay về phía xương mu của mẹ để chuẩn bị chào đời.
Bé nuốt một lượng lớn nước ối suốt cả ngày, sau đó bé xử lý lượng nước này bằng thận và loại bỏ dưới dạng nước tiểu trong túi ối. Do bé đang tập thở và nuốt nhiều nước ối trong giai đoạn này của thai kỳ, nên đôi khi bạn có thể thấy bé bị nấc cụt. Phân su của thai nhi tiếp tục tích tụ trong ruột của bé.
Ở giai đoạn tuần 34 của thai kỳ, tất cả các cơ quan của bé đã hoàn thiện, ngoại trừ phổi vẫn cần vài tuần để phát triển đầy đủ. Mạng lưới mao mạch trở nên đồng nhất, phế nang phổi đang nhân lên. Dưới tác dụng của cortisol do tuyến thượng thận tiết ra, quá trình sản xuất chất hoạt động bề mặt bao phủ từng phế nang vẫn tiếp tục, hoạt động này rất quan trọng cho sự trưởng thành của phổi.
Khuôn mặt của bé tròn hơn. Từ tuần thứ 34 của thai kỳ, tầm nhìn của bé cũng đang thay đổi, bé có thể nhắm mắt lại và phản ứng với ánh sáng. Không xác định được màu mắt của bé cho đến vài tháng sau khi sinh, đó là thời điểm mà ánh sáng ban ngày tạo sắc tố cho mống mắt, là phần có màu của mắt. Màu sắc mắt được tạo ra do sự kết hợp phức tạp giữa các gen khác nhau.
Cơ thể mẹ thay đổi ở tuần thứ 34 của thai kỳ
Không chỉ quan tâm thai 34 tuần nặng bao nhiêu, mẹ còn tìm hiểu sự thay đổi của cơ thể mẹ vào thời gian này. Khi mang thai vào tuần thứ 34, bụng bầu bắt đầu nặng trĩu do trọng lượng của tử cung, em bé, nước ối và nhau thai nặng trung bình khoảng 5 kg. Vì thế các cử chỉ, cách đi đứng, tư thế hàng ngày của mẹ bị ảnh hưởng và người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi.
Mẹ thỉnh thoảng cảm thấy tử cung căng cứng. Đây là những cơn gò tử cung Braxton Hicks, giúp tử cung luyện tập để chuẩn bị cho việc sinh nở. Những cơn gò sinh lý này không đều, không đau và không tác động đến cổ tử cung. Nhưng nếu mẹ thấy đau đớn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi mang thai, mẹ hay bị ngứa bụng là do sự căng giãn của da bụng và thay đổi nội tiết tố. Hiện tượng ngứa này thường lành tính và bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên, dữ dội và lan đến đến cả lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc thậm chí toàn bộ cơ thể, mẹ cần phải đi khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu bị chứng ứ mật thai kỳ, một biến chứng giai đoạn cuối thai kỳ cần điều trị sớm.
Trong giai đoạn tuần 34 của thai kỳ, cơ thể mẹ giữ nhiều nước hơn, thậm chí có thể tăng cân nhiều hơn dự định. Mặt khác, mẹ cảm thấy khó thở thường xuyên hơn vì khi em bé lớn thêm một chút, bụng bầu đè lên phổi, dạ dày, hệ tiêu hóa. Mắt cá chân và bàn chân có xu hướng sưng lên.
Để xử lý chất thải của cả mẹ và em bé, thận phải hoạt động hết công suất. Tử cung ngày càng chèn ép bàng quang cộng thêm các yếu tố khác dẫn đến sự thay đổi hóa học của nước tiểu trong 9 tháng này. Vào tháng thứ 8 của thai kỳ, nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu lên đến mức tối đa. Để ngăn chặn điều này, mẹ phải uống nước thường xuyên trong ngày. Trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, mẹ nên đi khám ngay vì viêm bàng quang có thể gây sốt và gây ra các cơn co thắt.
Ở tuần thai thứ 34 này, ngày dự sinh đang đến gần, ngực của mẹ căng tức và cổ tử cung trở nên mềm. Do các xương đang tách dần ra để chuẩn bị cho việc sinh nở nên mẹ cảm thấy đau vùng xương chậu.
Kháng thể IgG do cơ thể mẹ sản xuất, vượt qua hàng rào nhau thai, đi vào tuần hoàn của thai nhi, giúp bé có khả năng miễn dịch thụ động, bảo vệ bé mới sinh chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm.
Chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu ở tuần 34 của thai kỳ
Chăm sóc sức khỏe của mẹ
Bảo vệ đôi mắt: Đến tuần thứ 34 của thai kỳ, mắt của mẹ có thể nhạy cảm và cảm thấy khô hơn bình thường, vì vậy hãy mang theo kính râm và thuốc nhỏ mắt khi ra ngoài trời.
Trầm cảm trước khi sinh: Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn do các yếu tố sau đây: Triệu chứng khó chịu khi mang thai, lo lắng, thiếu sự chăm sóc... Mẹ cần gặp bác sĩ để được tư vấn và dùng một số thuốc chống trầm cảm được cho phép sử dụng khi mang thai.
Đừng ăn quá nhiều thức ăn: Phụ nữ mang thai nên có chế độ ăn ít natri trong thai kỳ. Một lượng muối vừa phải sẽ làm giảm đáng kể lượng natri không tốt cho em bé và giúp cơ thể phụ nữ điều tiết dịch lỏng trong cơ thể.
Tăng cường sức khỏe: Tăng lưu lượng máu và tăng cường endorphin bằng cách đi bộ nhanh, tập yoga, bơi hoặc chạy bộ. Vận động cũng giúp phụ nữ mang thai ngủ ngon hơn, chống lại sự mệt mỏi vào ban ngày.
Theo dõi sức khỏe mẹ và bé
Từ tuần 34 trở đi, cần theo dõi, kiểm tra chặt chẽ sức khỏe của cả mẹ và bé. Thai phụ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu chuyển dạ và đến bệnh viện kịp thời.
- Phân biệt chảy dịch âm đạo và rỉ ối để xử lý kịp thời, tránh suy thai, sinh non, thai chết lưu.
- Khi bị chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu gấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi thường xuyên, liên tục lượng nước ối.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Cần lưu ý nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển.
- Phân biệt cơn gò tử cung, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện sớm.
- Mẹ nên ăn các sản phẩm từ sữa hoặc thực phẩm giàu canxi hàng ngày, bổ sung vitamin D chủ yếu khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì tốt cho sự hấp thụ và cố định canxi.
- Mẹ cũng cần uống đủ nước suốt cả ngày để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nếu mẹ thấy đau đớn hoặc cảm thấy không khỏe, hãy đến bệnh viện ngay để được kiểm tra.
Sau khi đọc bài viết trên, bạn đã có những thông tin cần thiết, cụ thể về những thay đổi trong cơ thể của mẹ và bé ở giai đoạn thai 34 tuần, cũng như trả lời cho câu hỏi "Thai 34 tuần nặng bao nhiêu?" và những lưu ý hữu ích dành cho các mẹ.
Xem thêm:
- Giải đáp thắc mắc: Thai 37 tuần nặng bao nhiêu?
- Các giai đoạn phát triển của thai nhi và những điều cần biết