Đau mắt đỏ xảy ra ở hầu hết các đối tượng từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều người hỏi nhau rằng đau mắt đỏ có lây không? Bệnh lây qua đường nào và cách nào?
Bị bệnh đau mắt đỏ là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng trong suốt bên ngoài nhãn cầu. Các mạch máu ở kết mạc bị sưng lên, bị kích thích, có dấu hiệu chảy nước mắt khiến tròng trắng của mắt có màu hồng hoặc đỏ. [1]
Đau mắt đỏ thường do nhiễm virus hoặc do nhiễm trùng vi khuẩn, phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh khi ống dẫn nước mắt chưa mở hoàn toàn.
Bệnh đau mắt đỏ không gây nguy hiểm và hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Nhưng cần điều trị cũng như phòng ngừa để tình trạng bệnh mau khỏi, sớm trở lại cuộc sống thường nhật.
Đau mắt đỏ có lây không?
Đau mắt đỏ có lây! Đau mắt đỏ có 2 tác nhân lây nhiễm và 1 tác nhân không lây nhiễm bao gồm:
- Tác nhân lây nhiễm:
- Virus: Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau mắt đỏ. Các loại virus Corona (cảm lạnh thông thường hoặc COVID-19) được liệt kê là một trong những loại virus có khả năng làm đau mắt đỏ. [2]
- Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn phổ biến gây viêm kết mạc do vi khuẩn phải được “chỉ mặt đặt tên” như: Staphylococcus aureus, Haemophilusenzae, Streptococcus pneumonia và Pseudomonas aeruginosa.
- Tác nhân không lây nhiễm: Đau mắt đỏ do dị ứng với các tác nhân bên ngoài như khói bụi, hóa chất,…
Đau mắt đỏ nhìn có bị lây không?
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ hoàn toàn không phải do nhìn vào mắt người bệnh như lời dân gian đồn thổi. Trên thực tế, bệnh này lây lan qua hơi thở, nước bọt hoặc khi tay người khỏe mạnh có dính virus của người bệnh rồi vô tình chạm vào mắt.
Ngoài ra, virus gây đau mắt đỏ có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày. Do đó, khi tay chạm vào những nơi có virus, dùng chung khăn mặt với người bệnh… khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.
Đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hạ đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, giao mùa, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan dễ dàng, dễ bùng thành dịch.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đau mắt đỏ thường dễ lây lan qua chất tiết, đường hô hấp trên. Do đó đau mắt đỏ lây sang người xung quanh qua đường tiếp xúc và đường hô hấp chẳng hạn như:
1. Tiếp xúc với người nhiễm
Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh qua đường dịch mắt, nước mắt,… của họ tiết ra, vô tình chạm vào tay người bệnh khiến virus có cơ hội lây sang người khỏe mạnh.
2. Không khí do ho và hắt hơi
Khi tiếp xúc với người bệnh vô tình họ hắt hơi hoặc ho, nước bọt mang mầm bệnh lây sang người khỏe mạnh, khiến virus chuyển từ vật chủ sang cá thể mới.
3. Dùng chung đồ vật với người đang nhiễm bệnh
Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, chạm vào những vật dụng như: tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, đồ chơi…. bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh viêm kết mạc.
Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (khăn mặt, chăn gối, ly uống nước,…) cũng khiến cho virus lây truyền dễ dàng.
Dấu hiệu tình trạng đau mắt đỏ đang lây lan xung quanh bạn
Dấu hiệu nhận biết tình trạng đau mắt đỏ của đối phương đang có nguy cơ lây lan xung quanh bạn rất quan trọng. Người đau mắt đỏ thường có những dấu hiệu nhận biết như:
- Tròng trắng của mí mắt xuất hiện tình trạng đỏ hồng.
- Nước mắt chảy liên tục không thể kiểm soát.
- Ghèn đóng nhiều trên mí mắt, lông mi. Đặc biệt là sau khi ngủ dậy.
- Thi thoảng xuất hiện chất dịch màu xanh lá cây hoặc trắng chảy ra từ mắt.
- Cảm giác khó chịu ở một hoặc cả hai mắt.
- Ngứa mắt.
- Tầm nhìn mờ, hạn chế không còn được như lúc chưa bệnh.
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng, gió.
- Mí mắt bị sưng phù.
Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng có thể phân biệt được tình trạng đau mắt đỏ do virus hay vi khuẩn gây ra. Từ đó cung cấp cho bác sĩ khi đi khám bệnh để bác sĩ dễ dàng tầm soát và điều trị chính xác. Nhận biết bệnh đau mắt đỏ bằng những yếu tố đơn giản như:
- Tuổi tác: Virus gây ra hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ ở người lớn.
- Nhiễm trùng tai: Nếu trẻ con bị viêm kết mạc do vi khuẩn, thông thường trẻ cũng bị nhiễm trùng tai cùng lúc. Vậy người lớn có thể xem con mình có bị tình trạng viêm trùng tai không.
- Lượng dịch tiết ra: Nhiều dịch tiết ra từ mắt thường là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Màu sắc hoặc sắc thái của tròng trắng mắt: Màu cá hồi (hồng nhạt) có thể là dấu hiệu của nhiễm virus. Màu đỏ có nhiều khả năng viêm kết mạc do vi khuẩn gây nên.
- Nếu bệnh ở một hoặc cả hai mắt: Nếu bạn bị đau mắt đỏ ở cả hai mắt, có thể nguyên nhân do virus gây ra.
Yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng lây lan mắt đỏ
Lây lan đau mắt đỏ trong dân gian hay tỉ tê là do nhìn vào mắt của người bệnh. Tuy nhiên, đây là yếu tố không có căn cứ và khoa học vẫn chưa chứng minh.
Đau mắt đỏ có lây không? Các bác sĩ đã chỉ ra những yếu tố lây mắt đỏ phải kể đến như:
- Tiếp xúc với chất tiết từ người bệnh (ghèn mắt, nước mắt, nước bọt) là một trong những nguồn lây nhiễm khá mạnh và phổ biến. Bởi tiền đau mắt đỏ thường không có triệu chứng và bản thân người mắc cũng không hay biết, trong khoảng thời gian đó họ vẫn đi học, đi làm, sinh hoạt bình thường, vô tình lây lan cho người khác.
- Lây qua đường hô hấp: Nước bọt, nước mũi khi người bệnh hắt xì có thể bắn trong không khí khiến virus, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào vật chủ khỏe mạnh.
- Tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của bệnh nhân: khăn tắm, dùng chung ly nước, khăn mặt, bát đũa…
- Qua đường quan hệ tình dục: Con đường tuy gián tiếp như hoàn toàn căn cứ, việc quan hệ tình dục sẽ khiến người bệnh và người khỏe mạnh có những cử chỉ thân mật, ôm hôn, từ đó virus, vi khuẩn lây sang thuận tiện.
- Tiếp xúc gián tiếp qua cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang máy.
Đau mắt đỏ có bị lây tái phát không?
Cục Y tế Dự phòng (thuộc Bộ Y tế) cho biết: Đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và những người từng bị đau mắt đỏ hoàn toàn vẫn bị tái đi tái lại nhiều lần, nhất là trong thời gian đầu hạ đến cuối thu, khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa là lúc tình trạng đau mắt đỏ diễn ra. [3]
Những cách giúp hạn chế tình trạng lây lan đau mắt đỏ
Vì đau mắt đỏ chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị và dễ bị tái phát và đặc biệt mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và chính người vừa hết bệnh có thể là nguồn lây trong vòng 1 tuần sau khỏi bệnh. Vì vậy, nên tuân thủ các biện pháp ngay cả khi chưa mắc bệnh lẫn người đang mắc bệnh:
1. Người khỏe mạnh
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân đúng cách, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi cầm nắm những vật dụng dùng chung như nắm cửa, nút bấm cầu thang máy,…
- Hạn chế dùng chung những vật dụng cá nhân: khăn tắm, khăn lau mặt, chậu rửa mặt,…
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng kèm nước sạch, phơi khăn nơi có đủ ánh sáng mặt trời để có thể tiêu diệt được một số vi khuẩn gây bệnh.
- Hạn chế dùng tay dụi vào mắt, vì lúc đó, bản thân người khỏe mạnh hoàn toàn không biết tay có mang mầm bệnh hay không, vô tình dụi mắt, tạo điều kiện cho virus gây bệnh đau mắt đỏ lây lan.
2. Người đang bị đau mắt đỏ
Với người đang đau mắt đỏ, việc hạn chế tình trạng lây lan cho người khác vô cùng cần thiết. Người bệnh có thể thực hiện bằng cách sau:
- Rửa tay thường bằng xà phòng, nước rửa tay khô hoặc dung dịch sát khuẩn
- Rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày vào các thời điểm: sáng, trưa, tối bằng dung dịch muối pha loãng (0.9% lượng muối).
- Trong thời gian bị đau mắt đỏ, tuyệt đối không được dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mặt, chăn gối với người khỏe mạnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người chưa bị tình trạng đau mắt đỏ.
- Hạn chế đến những nơi đông người, vì vô tình bạn sẽ mang mầm bệnh đến cho người khác.
- Tuyệt đối không tự làm “bác sĩ tại nhà” bằng cách dùng những bài thuốc dân gian từ lá trầu, lá dâu… đắp trực tiếp lên mắt.
- Đeo kính râm giúp mắt hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vừa giúp bạn hạn chế dụi mắt, giảm thiểu khả năng lây bệnh.
- Nên đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng của đau mắt đỏ để được chỉ định điều trị kịp thời, không nên để tình trạng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
>> Xem thêm: 17 cách phòng ngừa đau mắt đỏ
Trung tâm Mắt Công nghệ cao tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM được trang bị thiết bị, máy móc hiện đại, phòng khám chuẩn 5 sao, cùng đội ngũ bác sĩ, y tá có chuyên môn cao sẽ giúp bảo vệ đôi mắt của bạn đặc biệt trong giai đoạn đau mắt đỏ như hiện nay và các bệnh về mắt khác.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
-
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Hà Nội:
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Qua những kiến thức vừa cung cấp, hy vọng độc giả đã tự giải đáp cho mình thắc mắc bị đau mắt đỏ có lây không? Đồng thời nâng cao cách phòng tránh đau mắt đỏ ngay cả khi khỏe mạnh để “cửa sổ tâm hồn” luôn long lanh.