(HNMO) - Trong cuộc chiến tại Việt Nam, khi Mỹ quyết định di tản toàn bộ binh lính, cán bộ ngoại giao và đồng minh vào năm 1975, vấn đề lớn nhất mà quân đội nước này gặp phải chính là tìm kiếm chỗ hạ cánh cho những chiếc trực thăng. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi với công nghệ điều khiển tự động hiện đại.
Thực tế, trong nhiều trường hợp, quân đội Mỹ đã phải huy động binh lính chặt cây, dọn địa hình phức tạp và rất mất thời gian, thậm chí là đẩy bớt máy bay khỏi các chiến hạm - như những gì đã xảy ra vào năm 1975 để có được chỗ hạ cánh phù hợp cho các loại trực thăng với thiết kế như từ trước tới nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình có thể sẽ thay đổi rất nhiều nhờ sự tiến bộ của công nghệ.
Giờ đây, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) đã có một ý tưởng mới hứa hẹn cho phép những chiếc trực thăng có thể hạ cánh ở mọi nơi - bất kể địa hình có phức tạp tới đâu - dựa trên cơ cấu vận hành tự động của chân đáp.
Cụ thể, dự án mang tên MAR (Mission Adaptive Rotor) sẽ trang bị cho những chiếc trực thăng bốn chân đứng điều khiển tự động hoàn toàn độc lập. Những chân này có thể đánh giá khoảng cách tới mặt đất bên dưới chúng và tự xác định độ dài sao cho phù hợp nhằm giữ cho chiếc trực thăng luôn ở vị trí cân bằng. Như thế, phi công có thể thoải mái hạ cánh ngay cả trên mái nhà dốc đứng, sườn đồi hay thậm chí là… trên mặt trận với hố bom đạn dày đặc. Khả năng giảm chấn và co vào của những chân này cũng có thể giúp hạn chế sự rung giật khi máy bay tiếp đất - yếu tố rất quan trọng với những chuyến bay cứu hộ, di chuyển thương binh…
|
Hơn thế nữa, ý tưởng mới này thậm chí còn hứu ích hơn đối với các lực lượng hải quân khi cho phép trực thăng hạ cánh khi thời tiết xấu, biển động khiến sân đỗ trên các chiến hạm luôn lắc lư. Việc vận hành hoàn toàn tự động cũng đồng nghĩa với việc chiếc trực thăng luôn đứng cân bằng - bất kể sàn tàu có nghiêng ngả liên tục. Theo một nhân sự của DARPA, khả năng giữ thăng bằng có thể xử lý độ nghiêng ở ngưỡng 20 độ.
Cả bốn chân này sẽ gấp lên khi trực thăng bay - tương tự như càng bánh xe trên các dòng máy bay phản lực. Hiện tại, DARPA mới chỉ thử nghiệm càng này trên một chiếc máy bay điều khiển từ xa cỡ lớn chứ chưa sử dụng một chiếc trực thăng thực sự. Tuy nhiên, theo cơ quan này, trọng lượng của bộ chân mới sẽ không nặng hơn so với các loại càng của trực thăng hiện nay bởi lẽ nó cấu thành từ thép lõi rỗng siêu cứng.
|
Như thế, với dự án MAR (Mission Adaptive Rotor), DARPA đã thể hiện nỗ lực trong việc trang bị cho trực thăng hiện đại khả năng hạ cánh linh hoạt. Bước đi mới sẽ cải thiện đáng kể năng lực của trực thăng trong vai trò một giải pháp di chuyển linh hoạt so với máy bay phản lực. Tuy nhiên, tham vọng của họ không dừng lại ở đó. Thực tế. MAR sẽ là một phần trong bức tranh máy bay quân sự lớn hơn - đặc biệt là các dòng cất/hạ cánh thẳng đứng (VTVL) với khả năng vận hành tự động, chuyển đổi công năng linh hoạt của bộ phận chứa hàng phù hợp với yêu cầu vận chuyển lính, vận chuyển quân nhu cũng như đáp ứng các nhiệm vụ chiến đấu khác.