Cổ tử cung đóng vai trò rất quan trọng qua từng tuần thai cho đến quá trình sinh con. Chính vì vậy mà việc siêu âm xác định chiều dài cổ tử cung là cơ sở giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Vai trò của cổ tử cung trong quá trình mang thai
Cổ tử cung là nơi trung gian nối liền giữa âm đạo và buồng tử cung. Trong suốt 40 tuần thai, bộ phận này có nhiệm vụ chứa đựng và nuôi dưỡng thai. Xuyên suốt từng giai đoạn, chiều dài cổ tử cung sẽ tăng lên và dày hơn cùng với sự thay đổi trọng lượng của thai nhi. Nhờ vậy mà thai có thể phát triển trong bụng mẹ suốt 9 tháng.
Bên cạnh đó thì đây là nơi lưu trữ trứng đã thụ tinh, đồng thời cũng là cơ quan tiến hành cấy ghép trứng thụ tinh. Sau khi trứng được thụ tinh thành công và làm tổ trong tử cung, bộ phận này sẽ đóng kín nhằm đảm bảo môi trường cho thai nhi hình thành, phát triển khỏe mạnh.
Tại sao chiều dài cổ tử cung thay đổi trong thai kỳ?
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO, sinh non được coi là một cuộc chuyển dạ sớm xảy ra từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ, kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Cùng với thống kê của tổ chức này, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 15 triệu em bé sinh non và tỉ lệ tử vong là hơn 10%.
Đi cùng với tỷ lệ sinh non đáng báo động, sự thay đổi bất thường trong chiều dài cổ tử cung của người mẹ có tác động trực tiếp đến tình trạng của thai nhi. Kích thước trung bình của một cổ tử cung phát triển là 30 - 50mm, việc kích thước nhỏ hơn 25mm thì tức là cổ tử cung ngắn. Sẽ rất nghiêm trọng nếu như cơ quan này ngắn lại nhiều và mở quá sớm trong quá trình chuyển dạ, bởi khả năng xảy ra sinh non là rất cao.
Khi bào thai nằm trong buồng tử cung, bộ phận này sẽ dần mềm lại, giảm độ dài theo quá trình phát triển của thai. Đến quá trình chuyển dạ, nó tiếp tục ngắn lại và mở ra để em bé có thể chui ra khỏi buồng tử cung. Sau đó, độ dài của cổ tử cung sẽ dần trở về trạng thái bình thường. So với khi chưa sinh con cổ tử cung tròn đều và mật độ săn chắc, thì sau khi trải qua quá trình sinh nở nó sẽ dẹt lại, mật độ mềm hơn.
Cổ tử cung ngắn là do đâu?
Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc cổ tử cung bị ngắn. Phần lớn nguyên do đến từ yếu tố bẩm sinh, đây có thể coi là nguồn gốc khiến cho cổ tử cung phát triển chưa hoàn thiện. Hoặc đơn thuần là có sự bất thường trong quá trình phát triển cơ quan sinh sản, làm cho tử cung dị dạng hoặc bị nhi hóa… Một phần nào đó cũng liên quan đến sự tác động bên ngoài, khi diễn ra quá trình phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung hoặc phẫu thuật khoét chóp.
Bên cạnh đó, chiều dài cổ tử cung hoàn toàn có thể thay đổi trong quá trình mang thai. Điều này có thể lý giải do có sự tác động theo thời gian của một số yếu tố khác như:
- Do sự khác biệt sinh học của phụ nữ.
- Gặp phải xuất huyết trong thai kỳ, dẫn đến các biến chứng về sau.
- Xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng hoặc viêm cổ tử cung.
- Tử cung yếu dẫn đến cổ tử cung không thể co dãn.
Về cơ bản thì tình trạng cổ tử cung ngắn khi mang thai không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý hay vấn đề quan hệ vợ chồng. Nhưng không thể tránh khỏi những tác động không nhỏ trong quá trình mang thai, cũng như khả năng sinh sản của các chị em phụ nữ.
Tác động của việc chiều dài cổ tử cung thay đổi bất thường
Khi chiều dài cổ tử cung ngắn bất thường, kéo theo cơ quan này sẽ bị giãn ra và ít có cơ chế bảo vệ cho mẹ và thai nhi. Điều này cũng dẫn đến nhận định của các bác sĩ về chuyển dạ sinh non, chính là những thay đổi ở cổ tử cung xảy ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Chuyển dạ sinh non trở nên nghiêm trọng khi đây là căn nguyên của nhiều biến chứng có thể kể đến như: Thai chết lưu, trẻ sinh nhẹ cân, xuất huyết não hay khuyết tật bẩm sinh. Cùng với đó, vấn đề này cũng sẽ theo một số hệ lụy có thể kể đến như:
- Nguy cơ sinh non tăng cao, chuyển dạ sớm, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến sảy thai. Cổ tử cung của thai phụ càng ngắn đồng nghĩa với việc nguy cơ sinh non càng cao.
- Mẹ bầu xuất hiện một số tình trạng bất thường về sức khỏe như đái tháo đường, huyết áp cao, tiểu đạm...
Làm thế nào để điều trị cổ tử cung ngắn?
Đối với những bệnh nhân gặp tình trạng cổ tử cung ngắn, một số phương pháp hỗ trợ đã được các bác sĩ nhận định về khả năng điều trị. Những phương pháp này nhằm ngăn ngừa nguy cơ sinh non, đặc biệt đối với những người trong nguy cơ thai kỳ cao:
Khâu vòng eo cổ tử cung
Một trong những phương pháp hữu hiệu điều trị cổ tử cung ngắn có thể kể đến là việc thực hiện quá trình khâu eo cổ tử cung. Cơ sở của phương pháp này chính là thu hẹp cổ tử cung, giảm áp lực của thai lên cổ tử cung. Thời gian thích hợp để có thể khâu vòng eo tử cung chính là từ tuần thai thứ 12 đến 15 của thai kỳ.
Bổ sung Progesterone
Hormone Progesterone có khả năng hạn chế xuất hiện các cơn co tử cung, giúp cổ tử cung của người mẹ luôn đóng kín. Đồng thời có khả năng hỗ trợ kéo dài thai kỳ. Việc bổ sung loại hormone này góp phần giảm áp lực của tử cung gây ra do thai nhi lớn ảnh hưởng lên cổ tử cung.
Dạng thuốc của Progesterone có rất nhiều loại như viên đặt hậu môn, viên đặt âm đạo hoặc thông qua tiêm trực tiếp. Không phải từng dạng thuốc đều sẽ có sự giống nhau về chức năng, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn thai kỳ của mẹ bầu. Vậy nên bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên chỉ định bổ sung dạng thuốc và liều lượng phù hợp.
Hình thành chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bên cạnh hai phương pháp điều trị trên, việc xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý cũng là điều vô cùng cần thiết:
- Trang bị những kiến thức cơ bản về thai kỳ để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường. Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho cơ thể trong chế độ ăn hằng ngày.
- Hạn chế vận động mạnh cũng như làm các công việc nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi về mặt tinh thần.
- Tăng cường các loại dưỡng chất cho thai kỳ, đặc biệt là acid folic và omega-3.
Bên cạnh đó, các chị em cũng không thể bỏ qua những lời khuyên của các bác sĩ trong việc chăm sóc bản thân, cũng như tuân theo một số lưu ý:
- Nói không với quan hệ vợ chồng trong thời gian điều trị.
- Dùng đúng đủ liều thuốc được chỉ định và khám thai định kỳ.
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cân nhắc việc sàng lọc trước sinh cho thai và sàng lọc các bệnh lý của mẹ bầu như: Đái tháo đường, gen tan máu thalassemia, bệnh lý tuyến giáp…
Bài viết trên đây đã cung cấp một số thông tin thiết yếu nhất về chiều dài cổ tử cung. Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ hữu ích này, các bạn đã có thêm cho mình những kiến thức y khoa cần thiết nhất. Hãy đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong những bài viết tiếp theo nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec.com