Xử trí vấn đề chỉ số đường huyết lúc sáng sớm tăng cao
Kết quả kiểm tra sẽ cho bạn và bác sĩ biết thời điểm nào đường huyết cao hoặc thấp. Điều đó sẽ giúp thu hẹp nguyên nhân của vấn đề.
- Nếu đường huyết cao lúc chuẩn bị đi ngủ thì có thể là do thực phẩm và thuốc. Bữa tối trễ hoặc quá nhiều, ăn vặt trước khi đi ngủ, dùng liều insulin quá thấp trong bữa tối có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao kéo dài suốt đêm. Để giải quyết việc này bạn có thể điều chỉnh bữa ăn hoặc điều chỉnh liều thuốc.
- Nếu đường huyết cao trong khoảng thời gian đi ngủ thì có thể là do sử dụng không đủ thuốc. Ví dụ, nếu bạn đang dùng insulin tác dụng kéo dài và nó hết tác dụng trước liều tiếp theo vào ngày hôm sau, bạn sẽ thấy lượng đường trong máu cao vào buổi sáng. Thay đổi thời điểm tiêm insulin tác dụng kéo dài hoặc chuyển sang dùng insulin cơ bản hai lần mỗi ngày hoặc dùng insulin tác dụng cực dài có thể khắc phục được vấn đề.
- Nếu đường huyết cao vào lúc về sáng thì có thể là hiện tượng bình minh hoặc hiện tượng Somogyi hoặc là do các nguyên nhân khác như liều insulin tiêm buổi chiều hay tối không đủ, ăn nhiều carbohydrate hay uống sữa trước khi đi ngủ, một số thuốc gây tăng đường huyết
- Hiện tượng bình minh, tăng lượng đường trong máu trong khoảng thời gian từ 2 đến 8 giờ sáng, là một phản ứng của cơ thể. Một trong những cách để giải quyết hiện tượng bình minh là điều chỉnh lượng insulin. Bác sĩ có thể tăng liều insulin để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Hiện tượng Somogyi là hiện tượng đường huyết hạ thấp ban đêm 2-3g sáng, khi đó cơ thể sẽ tăng tiết các hormon đối kháng insulin như glucagon, cortisol,…và làm đường huyết buổi sáng tăng cao. Một trong những cách giải quyết hiện tượng Somogyi là bác sĩ sẽ giảm liều insulin ngày hôm trước để tránh bị hạ đường huyết vào ban đêm.
- Nếu không sử dụng insulin, bạn có thể phải thử các thuốc và liệu trình khác nhau để bác sĩ tìm ra loại thuốc và chiến lược thay đổi lối sống tốt nhất giúp đường huyết ổn định vào buổi sáng.