Đề bài Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong đoạn:" Từ đây, như đã tìm đúng đường về...tứ đại cảnh". Liên hệ với khổ 2 "Đây thôn vĩ dạ". Từ đó chỉ ra điểm gặp gỡ và sự khác biệt trong cảm hứng trữ tình của 2 tác phẩm.
Là con người Việt Nam, chắc hẳn không ai không biết đến dòng sông Hương của xứ Huế: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Vẻ đẹp mĩ lệ của dòng sông đã được ca tụng qua nhiều bài thơ, trang sách nhưng có lẽ nhìn sông Hương ở những điểm nhìn độc đáo, từ góc nhìn văn hóa đến lịch sử thì chỉ đến tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có. Các bạn hãy cùng VForum tìm hiểu bài bút kí tài hoa độc đáo này nhé.
- “Nếu như không có dòng Hương
- Bài ca xứ Huế nửa đường đánh rơi”
Sông Hương, con sông huyền thoại của xứ Huế từ lâu đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Sông Hương đẹp một cách dịu dàng trong những câu thơ của Nguyễn Bính “Cầu cong như chiếc lược ngà/ Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”. Huy Tập lại khẳng định vị thế của Hương giang: “Nếu như không có dòng Hương/ Bài thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”. Nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp thêm một áng văn xuôi viết về sông Hương- con sông mang nặng tình yêu và nỗi nhớ của tác giả qua tùy bút nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, các bạn sẽ bắt gặp đề bài cảm nhận/ phân tích bài tùy bút độc đáo đó của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điểm nổi bật của bài kí là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình với góc nhìn đa dạng, phong phú từ thủy trình địa lý đến vẻ đẹp của văn hóa lịch sử của con sông trong lòng đất Huế. Một gợi ý để các bạn làm tốt đề bài này là có thể cảm nhận hình tượng sông Hương theo những góc nhìn khác nhau của tác giả bằng giọng văn truyền cảm, kiến thức vững vàng kết hợp với các biện pháp nghệ thuật gây hấp dẫn. Dưới đây là bài văn hoàn chỉnh cho đề bài cảm nhận con sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế và liên hệ với khổ 2 của “Đây thôn vĩ dạ”. Chúc các bạn thành công.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CẢM NHẬN VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG TRONG ĐOẠN “TỪ ĐÂY, NHƯ ĐÃ TÌM ĐÚNG ĐƯỜNG VỀ... TỨ ĐẠI CẢNH”. LIÊN HỆ VỚI KHỔ 2 ĐÂY THÔN VĨ DẠ. TỪ ĐÓ CHỈ RA ĐIỂM GẶP GỠ VÀ SỰ KHÁC BIỆT TRONG CẢM HỨNG TRỮ TÌNH CỦA 2 TÁC PHẨM.
Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường để tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của mình là một nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích “Từ đây, như đã tìm đúng đường về... tứ đại cảnh”. Cùng một mạch cảm xúc về xứ Huế, khổ 2 “Đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử cũng gây được dấu ấn với độc giả. Tuy đều hướng về Huế mộng mơ nhưng cảm hứng trữ tình của hai đoạn văn và thơ này vừa có điểm gặp gỡ vừa có nét khác biệt.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” rút từ tập bút kí cùng tên, được xuất bản năm 1984. Tập bút kí gồm tám bài viết về nhiều đề tài. Trong số những bút kí đó, “Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài kí độc đáo và hay nhất viết về dòng Hương của xứ Huế. Dòng sông gợi cảm hứng cho thi ca, nhạc họa đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận từ nhiều góc nhìn, đặc biệt là góc nhìn tâm linh, mang những nét riêng của “văn hóa Phú Xuân”. Sau khi từ khúc thượng nguồn giữa lòng Trường Sơn cuộn xoáy, sông Hương như “người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” nơi ngoại vi và vui tươi “kéo một nét thẳng thực yên tâm” vào lòng thành phố Huế.
Khi chảy về Huế, sông Hương đã tìm thấy chính mình, tìm thấy người tình mà nó hằng mong đợi bởi vậy gương mặt của nó khởi sắc để trở nên rạng rỡ hơn bất cứ lúc nào. Cái vẻ “vui tươi”, “kéo một nét thẳng thực yên tâm”, tâm trạng của con sông như có một chút gì đó bồi hồi náo nức của người con gái đang đến với điểm hẹn tình yêu. Quan sát sông Hương dưới cầu Tràng Tiền, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phát hiện vô cùng thi vị “ chiếc cầu trắng của thành phố in ngần lên nền trời nhỏ nhắn như vầng trăng non”. Nếu chiếc cầu là vầng trăng non đầu tháng thì sông Hương chính là cô gái Huế dịu dàng duyên dáng đang chờ đợi người yêu dưới vầng trăng ấy. Nguyễn Bính từng có câu lục bát rất đẹp viết về dòng sông huyền thoại này cùng chiếc cầu Tràng Tiền:
- “Cầu cong như chiếc lược ngà
- Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”
So sánh của Nguyễn Bính đẹp ở sự kiều diễm, so sánh của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đẹp ở nét đa tình. Sông Hương và Huế đều đẹp, đều làm bừng lên và tôn vinh những nét đẹp cho nhau. Dáng sông được tác giả miêu tả “mềm như tiếng vâng không nói ra của tình yêu”. Thật là một vẻ đẹp duyên dáng có chút e thẹn nhưng vô cùng ý nhị, kín đáo, tình tứ. Nhìn dáng sông mà cảm được cái nét tâm hồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương như cái nhìn của chàng trai với cô gái trong tình yêu đôi lứa. Ngôn ngữ giàu sức gợi đã đem đến cho người đọc những khoái cảm thâm mĩ, hẳn là không có cách nào hay hơn thế, tình tứ hơn thế.
Không chỉ dịu dàng quyến rũ, con sông xứ Huế còn mang vẻ lắng sâu trầm tĩnh ở vẻ đẹp cổ kính của nó. Nằm giữa lòng thành phố Huế giống như sông Xen của Pari và sông Đa-nuyp của Bu-Đa-Pet, sự cổ kính của sông Hương được làm nên bởi những chi lưu của nó. Với niềm hoài cổ của một nền văn hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hướng cái nhìn tới hình ảnh xưa cũ qua: “Những cây đa, cay cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít”. Hình ảnh này khiến sông Hương vừa gần gũi với cuộc đời thường vừa có cái xa xăm của Đường thi. Con sông Hương từ trước tới nay đã ghi dấu bằng điệu chảy thực chậm, thực êm của nó trong câu thơ của Hàn Mặc Tử với niềm hoài vọng xa xăm của người thôn Vĩ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, hay trong câu thơ Tố Hữu:
- “Hương giang ơi dòng sông êm
- Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình”
Nói về điệu chảy của con sông xứ sở, Hoàng Phủ Ngọc Tường so sánh với dòng chảy của Neeva, của Leningrad. Nếu như sông Neva chảy quá nhanh thì điệu chảy của sông Hương “lặng lờ”, “là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Phải chăng Hương Giang sinh ra là để an ủi con người đừng quá buồn phiền về những biến đổi vô thường của cuộc đời, về sự vèo qua chóng mặt của thời gian. So sánh sông Hương với các dòng sông nổi tiếng khác trên thế giới- những dòng sông đã trở thành biểu tượng văn hóa của các quốc gia, bộc lộ niềm tự hào về sông Hương và xứ Huế.
- “Ôi dòng sông bắt nước từ đâu
- Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát”
Cũng như biết bao dòng sông đẹp trên thế giới, sông Hương bắt nước từ đại dương văn minh của nhân loại nhưng khi vắt mình qua kinh thành Huế thì nó mang vẻ đẹp riêng ở điệu chảy êm đềm lặng lẽ. Nhà văn xứ Huế đã đem cả kiến thức triết học để nhấn mạnh điều đó. Nếu Hê-ra-clit khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh thì sông Hương, điệu chảy và thần thái của nó dường như không thay đổi. Đó là cốt cách, là điệu hồn của Huế, đúng như nhà thơ Thu Bồn đã cảm nhận:
- “Con sông dùng dằng con sông không chảy
- Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
So sánh mặt nước sông như “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, tác giả đã làm hiện lên vẻ đẹp đầy nỗi niềm sâu kín, chính cái đẹp ấy đã hấp dẫn tác giả Nguyễn Du sáng tác những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Bóng dáng Nguyễn Du và những trang Kiều nhiều lần xuất hiện trong bài kí bộc lộ khả năng liên tưởng phong phú, một vốn văn hóa sâu rộng và sự gắn kết với truyền thống, một sự đồng điệu trong tâm hồn nhà văn.
Ở khổ hai của “Đây thôn vĩ dạ”, Hàn Mặc Tử cũng đã hoài niệm về một cảnh dòng sông Hương của xứ Huế:
- “Gió theo lối gió mây đường mây
- Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
- Có chở trăng về kịp tối nay?”
Ẩn sâu bên trong bốn câu thơ là vô cùng những cảm xúc, suy tư của nhà thơ. Hai câu thơ đầu, Hàn Mặc Tử đã tả thực vẻ êm đềm, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: có gió, có mây, có hoa, có nước, có trăng, có thuyền. Cảnh đẹp nhưng lại thấp thoáng nỗi buồn của sự chia li. Xưa nay mây và gió luôn là biểu tượng song hành gắn bó nhưng trong thơ của thi sĩ họ Hàn, mây và gió lại tách nhau, hai sự vật ấy chia làm đôi ngả. Dòng nước “buồn thiu” hay tâm trạng người “buồn thiu”. Hoa bắp cũng chỉ “lay”, một sự chuyển động khẽ khàng, gợi cái hiu hắt thưa vắng. Cảnh vật buồn, lòng người cũng buồn như Nguyễn Du đã từng nói “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Miêu tả hình ảnh sông trăng, con thuyền kì ảo, tác giả đã sử dụng bút pháp tượng trưng để thể hiện khao khát hạnh phúc. Câu hỏi “có chở trăng về kịp tối nay” với nhãn tự “kịp” thể hiện sự mong ngóng, hi vọng và cả những nỗi đau thương tuyệt vọng. Bốn câu thơ dưới ngòi bút huyền ảo hóa của Hàn Mặc Tử vừa đẹp, vừa gợi cảm nhưng cũng gợi cảm giác bâng khuâng, xót xa biết bao.
Đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường và khổ thơ của thi sĩ họ Hàn vừa có điểm gặp gỡ vừa có nét khác biệt. Nét tương đồng đầu tiên là cả hai nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế là Vĩ Dạ và sông Hương để làm điểm nhấn và gợi cảm xúc. Cả hai tác giả đã cùng tái hiện được vẻ đẹp của điệu chảy nhẹ nhàng thơ mộng của dòng Hương và đều là những cây bút tài hoa tinh tế, có tâm hồn đắm say với sông Hương, với xứ Huế mộng mơ. Điểm khác giữa tay bút kí đại tài và nhà thơ “lạ lùng” nằm ở tâm trạng của họ đối với đối tượng miêu tả. Nhìn sông Hương, Hàn Mặc Tử buồn vì phải xa cách còn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vui mừng, hân hoan vì được hội ngộ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hàn Mặc Tử, mỗi người đã cùng góp một trang văn, một câu thơ thật hay về đề tài sông Hương của xứ Huế. Nhờ có những người nghệ sĩ tài hoa cùng tâm hồn lãng mạng phong phú, yêu Hương giang, yêu Huế thì những bài kí, những bài thơ đậm chất trữ tình ấy mới đến được và giữ được cảm tình của bạn đọc muôn thời.
-Mai Ánh-hocchamsocda.edu.vn