Rết là loài vật hung dữ và dễ tấn công con người nếu ta vô tình chạm phải. Khi bị rết cắn, người bệnh có thể bị dị ứng da, đỏ đau, sưng, nóng tại vết đốt tại vết đốt hoặc thậm chí là tình trạng sốc phản vệ. Vậy rết cắn bôi thuốc gì chống độc?
1. Triệu chứng khi bị rết cắn
Khi bị rết cắn, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng tại chỗ và triệu chứng toàn thân trong vài phút hoặc vài giờ.
1.1. Triệu chứng tại chỗ
- Vết cắn: thường ở chân, tay. Vết cắn trông giống như hai vết đỏ trên da, tạo thành hình chữ V do các đầu nhọn của chân rết xuyên qua da.
- Đau, sưng và đỏ tại vị trí vết cắn và xung quanh
- Chảy máu tại chỗ vết cắn
- Cảm giác ngứa, tê nhức hoặc rát bỏng
- Nhiễm trùng tại chỗ cục bộ, thậm chí có vùng bị hoại tử
- Hạch bạch huyết lân cận vết cắn sưng đau
1.2. Triệu chứng toàn thân
Sốc phản vệ có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, có thể xảy ra vài phút sau khi bị rết cắn. Người bệnh cần phải nhận biết sớm và đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Triệu chứng thần kinh: Do độc tố của rết tác động vào hệ thần kinh.
- Đau đầu, chóng mặt, hoảng sợ
- Cảm giác mất ý thức, hưng cảm hoặc rối loạn ý thức
Biến chứng thường gặp khi bị rết cắn:
- Nhồi máu cơ tim.
- Hội chứng tiêu cơ vân cấp gây suy thận cấp
- Suy chức năng gan, thận
- Rối loạn tình trạng đông máu như chảy máu tiêu hóa, chảy máu dưới da hoặc vết rết cắn chảy máu liên tục không cầm được
- Nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, hoại tử, sốc nhiễm khuẩn.
2. Bị rết cắn bôi thuốc gì ?
Cho đến hiện tại, không có thuốc giải độc đặc hiệu khi bị rết cắn. Các điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và xử trí sốc phản vệ khi có các dấu hiệu phản vệ.
Điều trị tại chỗ:
- Rửa sạch vết thương ngay với nước sạch hoặc xà phòng.Sát khuẩn tại chỗ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Không bôi bất cứ chất gì lên vết thương vì sẽ làm tình trạng nặng nề hơn.
- Chườm đá lạnh để giảm sưng, giảm đau và co mạch giảm phù nề, cản trở sự dẫn truyền thần kinh.
- Trường hợp đau nhiều có thể gây tê cục bộ bằng lidocain tại vết cắn.
Điều trị toàn thân:
- Tiêm SAT dự phòng uốn ván
- Sử dụng các thuốc corticosteroid, kháng histamine và thuốc giải lo âu.
- Sử dụng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng như vết cắn sưng nề, rộng ra xung quanh, chảy dịch mủ nhiều, hoại tử miệng vết cắn.
- Điều trị các biến chứng nặng khác nếu có như: Hội chứng tiêu cơ vân gây suy thận cấp, nhồi máu cơ tim,...
3. Tiên lượng tình trạng sau khi bị rết cắn
Rết cắn thường hiếm khi để lại các triệu chứng nghiêm trọng. Thông thường các triệu chứng sẽ hết sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, cần theo dõi sát người bệnh sau khi bị rết cắn để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Đặc biệt chú ý ở một số trường hợp mắc bệnh mạn tính như: suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, cơ địa dị ứng... vì có nhiều nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
4. Phòng ngừa nguy cơ bị rết cắn
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, để tránh việc rết sinh trưởng, phát triển và ẩn nấp trong môi trường sống quanh ta, mọi người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống và diệt rết cho ngôi nhà của mình:
- Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế ao tù nước đọng, tránh ẩm thấp.
- Phát quang bụi rậm, cây cỏ quanh nhà.
- Khi làm việc trong khu vực ẩm thấp, tối tăm, phải sử dụng đồ bảo hộ như ủng mang chân, găng tay, quần áo dài.
- Giữ vệ sinh nơi ở, loại bỏ các loại rác thải, thực phẩm không sử dụng khỏi nhà nhanh nhất, giúp hạn chế nguồn thức ăn cho loài rết.
- Phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi thường xuyên không chỉ hiệu quả trong việc hạn chế loài rết phát triển mà còn cả các loài động vật chân khớp khác.
Bị rết cắn là một tai nạn tưởng chừng không nguy hiểm nhưng lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ biến cố không lường trước được. Người dân cần phải chủ động trong việc phòng ngừa và tiêu diệt rết. Nếu chẳng may bị rết cắn, người bệnh cần áp dụng các bước sơ cứu cần thiết và theo dõi sát các triệu chứng nghi ngờ. Khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm, người bệnh cần lập tức đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
- Nổi mày đay hậu COVID-19
- Có nên dùng thuốc giảm đau cơ chân?
- Thuốc Pembrolizumab: Công dụng và lưu ý khi dùng