Máy tính ngày nay muôn hình vạn trạng, và trong tương lai chúng sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa.
Máy tính bây giờ hầu như xuất hiện ở khắp mọi nơi rồi các bạn ạ. Chúng ta dùng nó để làm việc, giải trí, học tập, và vô số công dụng khác nữa. So với ngày trước thì máy tính bây giờ cũng kết nói với nhau dễ dàng hơn rất nhiều, mở ra nhiều công năng mới mà trước đây chưa từng xuất hiện. Và cũng chính vì thế mà có khá nhiều từ dùng để chỉ các loại máy tính chuyên dụng khác nhau: có từ thì nói về kích thước, có từ thì về công dụng, vân vân. Sau đây sẽ là danh sách 10 loại máy tính mà các bạn có thể sẽ bắt gặp trong thế giới hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Máy tính cá nhân (Personal Computer)
Máy tính cá nhân (PC) có nghĩa là một máy tính được thiết kế cho một người sử dụng. Một chiếc iMac đúng là PC đó, nhưng theo thời gian thì ngày nay PC thường được dùng để chỉ máy tính chạy hệ điều hành Windows của Microsoft. PC trước đây được gọi là microcomputers vì nó được thiết kế với kích thước nhỏ hơn so với những hệ thống lớn được dùng bởi phần lớn doanh nghiệp.
Vào năm 1981, hãng IBM trứ danh đã hé lộ chiếc PC đầu tiên của họ chạy hệ điều hành MS-DOS (Microsoft Disk Operating System) của Microsoft. Tiếp đó đến lượt Apple vào năm 1983 với máy tính Lisa - một trong những PC đầu tiên sở hữu GUI (graphical user interface - giao diện đồ họa dành cho người dùng), nghĩa là nó có các icon (biểu tượng) trên màn hình.
Dần dà, những linh kiện như CPU và RAM bắt đầu phát triển với tốc độ chóng mặt, giúp máy tính trở nên nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Vào năm 1993, Intel đánh dấu cột mốc trong lịch sử máy tính với vi xử lý Pentium đầu tiên của họ.
Giờ thì PC có đầy đủ màn hình cảm ứng, kết nối đủ kiểu, hệ điều hành thì được cập nhật thường xuyên. Đã vậy, kích thước và hình dạng của PC cũng muôn hình vạn trạng, liên tục thay đổi theo từng năm tháng.
Máy tính để bàn (Desktop)
Cho đến giữa những năm 1980 thì người dùng chỉ có 1 lựa chọn cho PC mà thôi, và đó là máy tính để bàn (desktop). Lúc đó, những chiếc máy này còn được gọi là “tower” (tạm dịch: tháp) và vẫn còn rất lớn. Đi kèm với những chiếc màn hình CRT (cathode ray tube), chúng bắt đầu xuất hiện tại văn phòng và trên bàn làm việc tại nhà. Hầu hết desktop vào thập niên 90 đều mạnh hơn, lưu được nhiều thứ hơn, đa dụng hơn, và có giá thành dễ tiếp cận hơn so với máy tính xách tay (lúc này laptop có giá lên đến hàng nghìn USD).
Bây giờ thì giá thành của desktop lại càng mềm hơn ngày trước gấp nhiều lần. Cụ thể thì hồi năm 1972, chiếc desktop 300 - một trong những PC đầu tiên của Hewlett-Packard dành cho doanh nghiệp - có giá lên đến 95.000 USD lận đó.
Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay đang dần trở nên dễ tiếp cận hơn ngày trước rất nhiều, cho nên desktop không còn chiếm nhiều thị phần như ngày xưa nữa. Vào năm 2017, doanh số desktop toàn cầu đã giảm xuống dưới 100 triệu máy, trong khi đó laptop bán được đến 161,6 triệu máy trong cùng năm đó.
Máy tính xách tay (Laptop)
Đến giữa thập niên 80, nhiều hãng máy tính lớn đã quyết định phổ biến laptop, thay vì trước đó người dùng chỉ có duy nhất 1 lựa chọn là desktop. Laptop mà những chiếc máy tính có tính cơ động cao, được tích hợp sẵn màn hình, bàn phím, thiết bị di chuyển con trỏ chuột, vi xử lý, RAM, ổ cứng, pin. Tất cả được gói gọn trong một chiếc máy với kích lớn lớn hơn cuốn sách bìa cứng một chút.
Chiếc laptop đúng nghĩa thương mại đầu tiên là Osborne 1, ra mắt năm 1981 với giá rơi vào khoảng 1800 USD. Nó có RAM 64 KB và nặng khoảng 11,1 kg. Bên cạnh việc giúp bạn tập tạ mỗi ngày thì nó còn giúp bạn luyện mắt nữa, vì màn hình chỉ có 5-inch mà thôi.
May mắn là các các hãng máy tính đã nhanh chóng cải thiện các đời laptop sau này. Đến cuối thập niên, chiếc UltraLite của NEC đã phá vỡ rào cản nhờ tìm được cách thu nhỏ laptop lại chỉ còn vỏn vẹn 2,2 kg. Thế là nhà nhà đều bắt đầu chạy đua xem laptop của ai mỏng nhẹ hơn ai. Đến năm 2005 thì laptop bắt đầu đạt được doanh số cao hơn cả PC.
Netbook và máy tính bảng (Tablet)
Netbook là những chiếc máy tính siêu cơ động, thậm chí còn nhỏ hơn cả những chiếc laptop thông thường. Chúng có giá thành khá là dễ tiếp cận (tầm 200 USD), nhưng bù lại thì linh kiện bên trong lại không mạnh bằng laptop.
Netbook xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007 với mục đích là giúp người dùng tiện truy cập Internet và dùng các phần mềm như e-mail, nghe nhạc, xem phim, lướt web. Chúng cực kì gọn nhẹ với màn hình chỉ khoảng 6-7 inches, dung lượng lưu trữ cũng tầm 64 GB là cùng, và thường chẳng có cổng USB hay HDMI gì hết. Rất nhiều netbook đến từ các thương hiệu nhỏ lẻ vì các hãng lớn thường không mấy mặn mà với những sản phẩm ít lợi nhuận như này. Vì vi xử lý của chúng khá yếu và RAM có giới hạn nên netbook không thể chạy các ứng dụng nặng về đồ họa hoặc chơi những game hardcore.
Sau đó, máy tính bảng ra đời và thay thế cho netbook. Chúng có hình dạng mỏng, phẳng, nôm na là như một chiếc điện thoại thông minh phiên bản được phóng to. Chúng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000 và được sản xuất bởi Lenovo, nhưng đến năm 2010 thì Apple mới phổ biến mặt hàng này bằng chiếc iPad đầu tiên.
Tablet có thể xử lý rất nhiều thứ mà laptop có thể làm, nhưng vẫn có nhược điểm là vi xử lý không mạnh bằng và dung lượng lưu trữ cũng không quá nhiều so với PC. Những chiếc máy tính bảng ngày trước dùng chung hệ điều hành với điện thoại di động, nhưng bây giờ thì chúng có hẳn một hệ điều hành riêng hoặc thậm chí là chạy Micrsoft Windows 10 được luôn.
Máy tính bảng thì dĩ nhiên là cơ động hơn PC, có thời lượng pin lâu hơn và tích hợp các chức năng như chụp hình, quay phim, chơi game, vẽ vời (dùng bút cảm ứng) y như điện thoại di động. Một số máy tính bảng còn hỗ trợ gắn thêm phụ kiện như bàn phím để hỗ trợ trong việc nhập dữ liệu được dễ dàng hơn.
Máy tính cầm tay (Handheld Computer)
Những chiếc máy tính cầm tay như điện thoại thông minh, PDA (personal digital assistant) là những ví dụ điển hình cho mục này. Ra mắt vào thập niên 90, PDA là những thiết bị cầm tay được trang bị bộ nhớ flash thay vì ổ cứng thông thường. Chúng thường không có bàn phím nhưng lại có màn hình cảm ứng để nhập dữ liệu. PDA thường có kích thước nhỏ hơn một cuốn tiểu thuyết, rất nhẹ và có thời lượng pin tương đối ổn. Đã từng có thời PDA là thiết bị được nhiều người tin dùng để quản lý thời gian biểu, kiểm tra e-mail, nhắn tin.
Nhưng rồi điện thoại thông minh bắt đầu xuất hiện, chiếm ngôi vị của PDA. Những chiếc điện thoại thông minh như Apple iPhone và Samsung Galaxy kết hợp chức năng nghe gọi với các chức năng của PDA, cùng với đó là một số tính năng của máy tính để biến nó thành một thiết bị cực kì mạnh mẽ và hữu dụng. Chúng có màn hình cảm ứng, vi xử lý tốc độ cao, RAM vài GB, kết nối Bluetooth, WiFi đầy đủ, hệ thống camera đa ống kính, dàn loa chất lượng cao, và hàng tá công nghệ xịn sò khác.
Điện thoại thông minh đã xuất hiện từ những năm 200, nhưng mãi đến khi Apple ra mắt iPhone 3G vào năm 2007 thì điện thoại thông minh mới thật sự nở rộ. Cách thiết kế, chức năng, trải nghiệm mà iPhone mang lại đã trở thành thước đo cho những thế hệ smartphone sau này.
Máy trạm (Workstation)
Máy trạm đơn thuần là một chiếc desktop được trang bị vi xử lý mạnh mẽ hơn, có nhiều RAM hơn, card đồ họa chuyên dụng hơn, và có khả năng xử lý các tác vụ chuyên biệt, chẳng hạn như đồ họa 3D hoặc phát triển game
Máy trạm cũng được thiết kế cho người dùng riêng lẻ, giống như desktop bình thường vậy. Nhưng nó khác ở chỗ là hiệu năng mạnh hơn rất là nhiều. Thông thường, những doanh nghiệp như công ty kỹ thuật hoặc công ty truyền thông đa phương tiện sẽ cần những chiếc máy trạm để trang bị cho nhân viên của họ.
Tất nhiên, máy mạnh sẽ đi kèm với chi phí đắt đỏ, nhiều khi đắt gấp nhiều lần desktop là chuyện bình thường. Một chiếc máy trạm có thể có giá từ vài chục triệu VNĐ cho đến vài trăm triệu VNĐ cũng có, tùy theo nhu cầu người dùng. Những linh kiện của máy trạm cũng vì vậy mà thường sẽ rất bền, chạy liên tục không ngừng nghỉ để giải quyết các bài toán hoặc render animation vẫn được. Để chắc ăn thì chúng thường đi kèm với hệ thống sao lưu dữ liệu, tránh trường hợp bị mất hoặc lỗi. Những chiếc máy trạm được dùng để kiếm ra tiền, chứ không phải để phục vụ cho việc giải trí, chơi game nên không thể ngồi chung mâm với desktop/laptop thông thường được.
Máy chủ (Server)
Máy chủ là máy tính được tối ưu để cung cấp các dịch vụ cho những chiếc máy tính khác thông qua mạng lưới. Chúng được trang bị vi xử lý rất mạnh, RAM dung lượng rất lớn, và ổ cứng có thể chứa lượng dữ liệu khổng lồ.
Khác với desktop hay laptop, máy chủ cung cấp tài nguyên thông qua mạng nội bộ hoặc Internet. Các công ty thường phụ thuộc vào hệ thống máy chủ để cung cấp thông tin, xử lý đơn hàng, theo dõi thông tin, xử lý các tác vụ khoa học, và nhiều hơn thế nữa. Máy chủ thường được gắn trên kệ (rack) trong một phòng dành riêng cho hệ thống này, nhìn khá là giống một cái nhà kho.
Giống như những chiếc PC thông thường, máy chủ cũng có các linh kiện quen thuộc như vi xử lý, bo mạch chủ, RAM, card đồ họa, nguồn, card mạng. Thường thì nhân viên IT sẽ dùng 1 màn hình riêng để tinh chỉnh và điều khiển nhiều máy chủ, kết hợp chúng lại với nhau để hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Nhờ những chiếc máy chủ như thế này mà Google mới có thể trả về cho bạn những kết quả chính xác trong thời gian ngắn nhất đó. Theo ước tính, Google đang duy trì hoạt động khoảng 2,5 triệu máy chủ tại các trung tâm dữ liệu lớn trên toàn thế giới.
Máy tính lớn (Mainframe)
Trong những ngày đầu, mainframe là những chiếc máy tính khổng lồ chất đầy cả một căn phòng hoặc thậm chí là cả một tầng lầu. Sau này, kích thước máy tính càng được thu nhỏ lại, hiệu năng cũng được tăng lên đáng kể, cho nên cụm từ mainframe dần bị thay thế bởi “enterprise server” (tạm dịch: máy chủ doanh nghiệp). Đôi lúc bạn có thể nghe nhắc đến từ mainframe, nhất là đối với những công ty lớn dùng để miêu tả các cỗ máy lớn dùng để xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày, và đồng thời cung cấp dịch vụ cho hàng ngàn người khác.
Mặc dù ban đầu mainframe dùng để chỉ một máy tính tập trung (centralized computer) kết nối với những thiết bị nhỏ hơn như máy trạm, định nghĩa này đang dần bị phai mờ vì những chiếc máy với kích thước khiêm tốn ngày nay đã trở nên mạnh hơn rất nhiều, và mainframe cũng trở nên linh hoạt hơn trước.
Mainframe lần đầu tiên xuất hiện vào giai đoạn hậu Thế chiến II, khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gấp rút chuẩn bị cho Chiến tranh lạnh. Ngay cả khi máy chủ mọc lên như nấm, mainframe vẫn được dùng để xử lý những bài tóan, con số, cơ sở dữ liệu lớn và phức tạp nhất trên thế giới. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm những giao dịch quan trọng, liên quan đến những thông tin tối mật của các tập đoàn lớn.
Trong năm 2018, doanh số của mainframe được IBM ghi nhận là có sự tăng trưởng đột ngột. Một phần là nhờ mainframe có hiệu năng cao trong khi ít chiếm không gian hơn những hệ thống máy chủ tiên tiến như ngày nay.
Siêu máy tính (Supercomputer)
Loại máy tính này thường có giá thành lên đến hàng trăm ngàn USD, hay thậm chí là hàng triệu USD. Một vài siêu máy tính sẽ được thiết lập dưới dạng 1 hệ thống riêng lẻ, còn lại thì hầu hết sẽ bao gồm nhiều máy tính hiệu năng cao cùng hoạt động song song với nhau. Những chiếc siêu máy tính phổ biến thường được lắp đặt bởi hãng Cray Supercomputers.
Siêu máy tính khác với mainframe nhé các bạn. Cả 2 đều có hiệu năng tính toán cực khủng để xử lý các tác vụ phức tạp mang tính đặc thù. Mainframe thường được tinh chỉnh để bảo đảm tính toàn vẹn (reliability) của dữ liệu.
Trong khi đó, siêu máy tính giống như xe đua Thế thức 1 (F1) vậy. Nó được thiết kế để có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh nhất, giúp các công ty rút ngắn thời gian xử lý các phép tính phức tạp. Chúng thường xuất hiện ở những nơi như trung tâm nghiên cứu, cơ quan chính phủ, viện khoa học, trạm dự báo thời tiết, nói chung là những nơi mà tốc độ mang tính quyết định. Chẳng hạn, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Hoa Kỳ sở hữu hệ thống siêu máy tính với tốc độ lên đến hơn 8 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Còn nói về giá thành thì có thể lấy ví dụ như chiếc siêu máy tính Summit của Oak Ridge National Laboratory của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ - siêu máy tính đầu tiên được thiết kế để xử lý các tác vụ AI - có giá lên đến 200 triệu USD.
Thiết bị đeo được (Wearable)
Xu hướng gần đây nhất trong mảng máy tính là các thiết bị có thể đeo được. Cơ bản thì những tác vụ như đọc email, tin nhắn, xem lịch hẹn sẽ được tích hợp vào những thiết bị này. Ngoài ra, những chiếc đồng hồ thông minh hiện nay còn có chức năng định vị, đo nhịp tim, lượng calo đã đốt cháy, số bước chân, tốc độ chạy nhằm giúp người dùng dễ dàng theo dõi sức khỏe của mình.
Và đây chỉ mới là khởi đầu mà thôi. Trong tương lai, chúng ta sẽ còn thấy những thứ khác như kính tăng cường thực tế ảo, tai nghe thông minh, máy theo dõi giấc ngủ. Đây chính là chân trời mới trong mảng PC. Chúng có tính linh hoạt cao và tiềm năng rất lớn, và chúng ta vẫn đang tìm cách để khai thác nó sao cho hiệu quả nhất có thể.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Siêu máy tính được tạo ra dùng để làm gì? Đây là câu trả lời dành cho bạn
- VinBrain sử dụng siêu máy tính NVIDIA DGX A100 để cải thiện chất lượng y tế với các giải pháp trí thông minh nhân tạo
- VinAI trang bị siêu máy tính NVIDIA DGX SuperPOD mạnh nhất Việt Nam để tạo mô hình ôtô điện tự hành cho VinFast
Nguồn: HowStuffWorks
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!